Chữ ký số và Chữ ký điện tử khác nhau như thế nào?

Hai khái niệm Chữ ký số và Chữ ký điện tử không hoàn toàn có cùng nghĩa. Chữ ký số chỉ là một tập con của chữ ký điện tử (chữ ký điện tử bao hàm chữ ký số). Để hiểu rõ hơn về hai khái niệm này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết này.

Khái niệm chung

  1. Chữ ký điện tử là thông tin đi kèm theo dữ liệu (văn bản, hình ảnh, video…) nhằm mục đích xác định người chủ của dữ liệu đó.
    Chữ ký điện tử được sử dụng trong các giao dịch điện tử. Xuất phát từ thực tế, chữ ký điện tử cũng cần bảo đảm các chức năng: xác định được người chủ của một dữ liệu nào đó: văn bản, hình ảnh, video, … dữ liệu đó có bị thay đổi hay không.
  2. Chứng thư điện tử là thông điệp dữ liệu do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử phát hành nhằm xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử (Luật giao dịch điện tử năm 2005).
  3. Chứng thực chữ ký điện tử là việc xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử (Luật giao dịch điện tử năm 2005).
  4. Chương trình ký điện tử là chương trình máy tính được thiết lập để hoạt động độc lập hoặc thông qua thiết bị, hệ thống thông tin, chương trình máy tính khác nhằm tạo ra một chữ ký điện tử đặc trưng cho người ký thông điệp dữ liệu (Luật giao dịch điện tử năm 2005).
  5. Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:
    • Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
    • Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên. (Nghị định số 130/2018/NĐ-CP).
  6. Chứng thư số là một dạng chứng thư điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp nhằm cung cấp thông tin định danh cho khóa công khai của một cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân là người ký chữ ký số bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng. (Nghị định số 130/2018/NĐ-CP).
  7. Chứng thư số nước ngoài là chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài cấp (Nghị định số 130/2018/NĐ-CP).
  8. Dịch vụ chứng thực chữ ký số là một loại hình dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cung cấp cho thuê bao để xác thực việc thuê bao là người đã ký số trên thông điệp dữ liệu. Dịch vụ chứng thực chữ ký số bao gồm:
    • Tạo cặp khóa hoặc hỗ trợ tạo cặp khóa bao gồm khóa công khai và khóa bí mật cho thuê bao;
    • Cấp, gia hạn, tạm dừng, phục hồi và thu hồi chứng thư số của thuê bao;
    • Duy trì trực tuyến cơ sở dữ liệu về chứng thư số;
    • Cung cấp thông tin cần thiết để giúp chứng thực chữ ký số của thuê bao đã ký số trên thông điệp dữ liệu. (Nghị định số 130/2018/NĐ-CP).
  9. Hệ thống mật mã không đối xứng là hệ thống mật mã có khả năng tạo được cặp khóa bao gồm khoá bí mật và khoá công khai (Nghị định số 130/2018/NĐ-CP).
  10. Khoá hay Cặp khoá là một chuỗi các số nhị phân (0 và 1) dùng trong các hệ thống mật mã (Nghị định số 130/2018/NĐ-CP).
  11. Khóa bí mật là một khóa trong cặp khóa thuộc hệ thống mật mã không đối xứng, được dùng để tạo chữ ký số (Nghị định số 130/2018/NĐ-CP).
  12. Khóa công khai là một khóa trong cặp khóa thuộc hệ thống mật mã không đối xứng, được sử dụng để kiểm tra chữ ký số được tạo bởi khoá bí mật tương ứng trong cặp khoá (Nghị định số 130/2018/NĐ-CP).
  13. Ký số là việc đưa khóa bí mật vào một chương trình phần mềm để tự động tạo và gắn chữ ký số vào thông điệp dữ liệu (Nghị định số 130/2018/NĐ-CP).
  14. Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác (Nghị định số 130/2018/NĐ-CP):
    • Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
    • Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.

Thế nào là giá trị pháp lý của Chữ ký số?

Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số quy định giá trị pháp lý của chữ ký số như sau:

  1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số.
  2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức.
  3. Điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số
    Chữ ký số được xem là chữ ký điện tử an toàn khi đáp ứng các điều kiện sau:
    • Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khoá công khai ghi trên chứng thư số có hiệu lực đó.
    • Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khoá bí mật tương ứng với khoá công khai ghi trên chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài được công nhận tại Việt Nam cấp.
    • Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.
    • Khóa bí mật và nội dung thông điệp dữ liệu chỉ gắn duy nhất với người ký khi người đó ký số thông điệp dữ liệu.

Kiểm tra pháp lý đối với Chữ ký điện tử

Tại một số nước, các bước yêu cầu cho chữ ký điện tử bao gồm:

  • Cung cấp thông tin cho người yêu cầu về tính pháp lý của chữ ký điện tử; các yêu cầu về phần cứng, phần mềm; các lựa chọn ký và chi phí (nếu có);
  • Xác thực các bên để nhận diện rủi ro kinh doanh và yêu cầu;
  • Đưa toàn bộ văn bản ra xem xét (các bên có thể phải điền số liệu);
  • Yêu cầu các bên xác nhận sự tự nguyện ký vào văn bản;
  • Đảm bảo các văn bản được xem xét không bị thay đổi từ khi ký;
  • Cung cấp cho các bên các văn bản gốc pháp lý để lưu giữ.

Vấn đề quan trọng cần được xem xét là sự giả mạo (giả mạo chữ ký và giả mạo sự chấp nhận). Tòa án phải giả định rằng sự giả mạo là không thể thực hiện. Tuy nhiên, đối với chữ ký điện tử thì việc làm giả là không quá khó khăn.

Thông thường, các doanh nghiệp thường phải dựa trên các phương tiện khác để kiểm tra chữ ký điện tử chẳng hạn như gọi điện trực tiếp cho người ký trước khi giao dịch, dựa trên các quan hệ truyền thống hay không dựa hoàn toàn vào các văn bản dưới dạng điện tử. Đây là các thông lệ trong kinh doanh nên được áp dụng trong bất kỳ môi trường nào vì sự giả mạo cũng là một vấn đề thường xảy ra trong môi trường kinh doanh truyền thống.

Chữ ký điện tử cũng như chữ ký truyền thống đều không đủ khả năng ngăn chặn hoàn toàn việc làm giả.

Kết luận

Một chữ ký điện tử sẽ là một chữ ký số nếu nó sử dụng một phương pháp mã hóa nào đó để bảo đảm tính toàn vẹn và tính xác thực. Ví dụ như một bản dự thảo hợp đồng soạn bởi bên bán hàng gửi bằng email tới người mua sau khi được ký (điện tử).

Một điều cần lưu ý là cơ chế của chữ ký điện tử khác hoàn toàn với các cơ chế sửa lỗi (như giá trị kiểm tra – checksum…). Các cơ chế kiểm tra không đảm bảo rằng văn bản đã bị thay đổi hay chưa.

Con người đã sử dụng các hợp đồng dưới dạng điện tử từ hơn 100 năm nay với việc sử dụng mã Morse và điện tín. Vào năm 1889, tòa án tối cao bang New Hampshire (Hoa kỳ) đã phê chuẩn tính hiệu lực của chữ ký điện tử. Tuy nhiên, chỉ với những phát triển của khoa học kỹ thuật gần đây thì chữ ký điện tử mới đi vào cuộc sống một cách rộng rãi. Vào thập niên 1980, các công ty và một số cá nhân bắt đầu sử dụng máy fax để truyền đi các tài liệu quan trọng. Mặc dù chữ ký trên các tài liệu này vẫn thể hiện trên giấy nhưng quá trình truyền và nhận chúng hoàn toàn dựa trên tín hiệu điện tử.

Hiện nay, chữ ký điện tử có thể bao hàm các cam kết gửi bằng email, nhập các số định dạng cá nhân (PIN) vào các máy ATM, ký bằng bút điện tử với thiết bị màn hình cảm ứng tại các quầy tính tiền, chấp nhận các điều khoản người dùng khi cài đặt phần mềm máy tính, ký các hợp đồng điện tử online…

Các ví dụ về chữ ký điện tử nêu ở trên chưa phải là chữ ký số bởi vì chúng thiếu các đảm bảo mật mã học về nhận dạng người tạo ra và thiếu các kiểm tra tính toàn vẹn của dữ liệu. Các chữ ký này có tính chất pháp lý được gắn với văn bản trong một số trường hợp cụ thể.

Như vậy, ta có thể thấy rằng hai khái niệm “Chữ ký số” (digital signature) và “Chữ ký điện tử” (electronic signature) không hoàn toàn có cùng nghĩa. Chữ ký số chỉ là một tập con của chữ ký điện tử (chữ ký điện tử bao hàm chữ ký số)./.